image banner
Di tích – Danh thắng

DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HOÁ: ĐÌNH VĨNH BÌNH.

( Ấp Vĩnh Bình xã Vĩnh Công-huyện Châu Thành-tỉnh Long An )

- Về văn hóa:

Đình Vĩnh Bình là một trong những ngôi đình cổ của Tân An xưa được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX. Sắc phong của vua Tự Đức cho đình Vĩnh Bình  là hiện vật có giá trị về niên đại và lịch sử- văn hóa.

Đình được xem là một "cơ quan văn hóa" của làng trong quá khứ và đến ngày nay vẫn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương trong các dịp lễ hội.

-Về lịch sử:

+Đình Vĩnh Bình là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở địa phương trong giai đoạn Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chín năm chống Pháp.

+Năm 1945, với khí thế sôi sục của cách mạng cả nước chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, khởi nghĩa giành chính quyền về tay quần chúng nhân dân, đình Vĩnh Bình được chọn làm trụ sở Thanh niên tiền phong, nơi hội họp, tập hợp lực lượng khởi nghĩa của xã Vĩnh Công năm 1945.

+Năm 1947, thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" đình Vĩnh Bình bị đốt đi để ngăn không cho thực dân Pháp có chổ đóng quân khi tái chiếm Nam Bộ.

Với những giá trị trên , đình Vĩnh Bình xứng đáng được bảo vệ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống cho thế hệ đương thời và mai sau.

 Ngày 07/7/2009 UBND tỉnh Long an có Quyết định số1 652/QĐ-UBND công nhận Đình Vĩnh Công là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, ngày nay nơi đây còn là chốn linh thiêng của một cộng đồng, nơi sinh hoạt văn hóa, ôn truyền thống của các đoàn viên, học sinh, nơi bảo lưu các lễ hội truyền thống của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình Vĩnh Công chính là việc làm thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

Đình Vĩnh Bình là một trong những ngôi đình cổ trên đất Tân An xưa, được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX (khoảng 1836-1852). Ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (8/01/1852), vua Tự Đức đã sắc phong cho Thành Hoàng Bổn Cảnh làng Vĩnh Bình làm “Quảng Hậu Chính trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Chi Thần” và cho phép dân làng được phụng sự.

 Trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Vĩnh Bình là trụ sở Thanh niên Tiền phong tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Tân An. Nơi đây, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã Vĩnh Công ra mắt đồng bào ngày 22/8/1945. Năm 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đình Vĩnh Bình bị đốt đi để không còn chỗ đóng quân của thực dân Pháp khi tái chiếm Nam Bộ.

         1.Đình Vĩnh Bình - một trong những ngôi đình cổ có quy mô bề thế của Tân An xưa

          Đình Vĩnh Bình chính thức được xây dựng từ năm nào vẫn chưa có cứ liệu chính xác để khẳng định. Tuy nhiên, thông thường đình làng được xây dựng ngay sau khi làng chính thức được thành lập.

Làng Vĩnh Bình từ năm 1836 đã được ghi nhận một cách chính thức trên bản đồ hành chính. Vì thế, có thể suy đoán rằng đình Vĩnh Bình được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1836 đến năm 1852 (Bởi vì năm 1836 tên làng Vĩnh Bình chính thức được ghi nhận trên bản đồ hành chánh và năm 1852 đình Vĩnh Bình được vua Tự Đức sắc phong).

Theo các cụ phụ lão xã Vĩnh Công và ông Nguyễn Khắc Thạc (cháu dòng bên ngoại, đời thứ 5 của ông Đoàn Ngọc Sĩ) thì đình Vĩnh Bình được ông Đoàn Ngọc Sĩ (mất năm 1878) vận động dân làng xây dựng kiên cố bằng gỗ, mái ngói vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Năm 1935, ông Đoàn Ngọc Cát-cháu nội ông Đoàn Ngọc Sĩ vận động dân làng xây cất lại đình Vĩnh Bình. Thời gian xây dựng kéo dài đến 3 năm (1935-1938). Ngày 17-3 âm lịch năm 1938, đình Vĩnh Bình được khánh thành trọng thể.

 Hiện tại, đình Vĩnh Bình còn lưu giữ 3 sắc thần của vua Tự Đức phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (1852). Đây là tài liệu khoa học duy nhất để xác định niên đại muộn nhất của đình Vĩnh Bình.

 

2. Đình Vĩnh Bình -trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong vùng

Cũng như những ngôi đình khác ở Nam Bộ, đình Vĩnh Bình là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Những lễ nghi nông nghiệp, cầu xin ơn trên mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an đều được thực hiện ở đình. Đình Vĩnh Bình còn là trụ sở của các hương chức địa phương. Thông qua đình, mọi người bày tỏ lòng thành kính, ước mơ một cuộc sống tốt đẹp, nơi đây người dân được giải trí bởi những tuồng hát gợi nhớ nguồn gốc của tổ tiên, niềm tự hào dân tộc.

Thông thường, người dân có thể đến đình bất cứ lúc nào khi có nỗi niềm cần bày tỏ, tuy nhiên, những lễ hội truyền thống hằng năm là dịp để mọi người cùng nhau đến đình. Thông lệ hằng năm, đình Vĩnh Bình thường tổ chức 5 lễ hội lớn:

Lễ Tống phong: Ngày 16 tháng Giêng âm lịch, được tổ chức vào thời khắc giao nhau giữa mùa mưa và mùa khô. Mục đích của lễ là nhằm xua đuổi tà khí, quân ôn hoàng dịch lệ đi khỏi làng nhằm tránh dịch bệnh cho nhân dân. Lễ được tổ chức ngoài sân đình với lễ vật đơn giản nhưng trong đó phải có gạo và muối.

Lễ Kỳ Yên: Ngày 16-17-18 tháng 3 âm lịch (trong đó ngày 17 là lễ chính), là lễ Cầu An, dùng lễ vật tỏ lòng tôn kính với thần Thành Hoàng, mục đích của lễ là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an,…

Lễ Cầu Bông: Ngày 17 tháng 9 âm lịch, được tiến hành khi lúa bắt đầu ngậm sữa (ngày trước chỉ làm một vụ lúa dài ngày), thường chỉ cúng tại bàn thờ Thần Nông ngay trước sân đình. Mục đích của lễ là để cầu cho lúa ngậm sữa, đơm bông đều khắp, cầu cho vụ mùa bội thu.

 Lễ Hạ Điền: Ngày 17 tháng 6 âm lịch, được tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Mục đích của lễ mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt là nhằm cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, lễ cúng Thần Nông, Hậu Tắc, Phong Bá, Điền Di,…cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ Hạ Điền về cơ bản giống lễ Kỳ Yên nhưng có phần đơn giản hơn.

 Lễ Tiền Hiền Hậu Hiền: Ngày 17 tháng 12 âm lịch. Đây là nghi lễ tế các vị tiền nhân đã có công lập làng, lập chợ, lập đình, …

3. Đình Vĩnh Bình - Trụ sở Thanh niên Tiền phong tổng Thạnh Hội Thượng, quân Châu Thành trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945

Tại xã Vĩnh Công, quận Châu Thành, tổ chức Thanh niên Tiền phong tổng Thạnh Hội Thượng ra đời vào trung tuần tháng 7 năm 1945 do ông Võ Văn Trước (thầy giáo Trước) làm thủ lĩnh, trụ sở đặt tại đình Vĩnh Bình (ấp 3 xã Vĩnh Công ngày nay).

 Tại đình, lực lượng Thanh niên Tiền phong khoảng 25 đến 30 người thường xuyên thay nhau canh gác tại đình và một số điểm quan trọng trong xã như cầu Nhứt Võng, cầu Vĩnh Công,…Lực lượng Thanh niên Tiền phong ban ngày tham gia sản xuất, đến chiều tập hợp tại đình Vĩnh Bình với vũ khí thô sơ như: tầm vông vạt nhọn, giáo, mác,…được phân công canh gác các địa điểm trọng yếu trong làng. Trong quá trình canh gác, mọi chuyện đều được báo động bằng mõ, thỉnh thoảng ban đêm tổ chức văn nghệ, hát những bài hát khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, khơi dậy tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm.

 Không khí hoạt động sôi nổi của Thanh niên Tiền phong tại đình Vĩnh Bình tạo niềm phấn khởi đối với quần chúng cách mạng, mọi người bấy lâu nay bị đè nén dưới cách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đến thời điểm này cảm thấy được tự do, đất nước sẽ độc lập, sự háo hức chờ đợi được thể hiện qua hành động của mỗi người,…

Tóm lại, trong 9 năm chống Pháp xâm lược, đình Vĩnh Bình là địa điểm lịch sử ghi nhận nhiều sự kiện trọng đại của địa phương, là trụ sở Thanh niên Tiền phong tổng Thạnh Hội Thượng trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi ra mắt của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Vĩnh Công năm 1945, nơi ra mắt của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Vĩnh Công năm 1945, nơi hội họp của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã những năm đầu kháng chiến.

4. Khảo tả di tích

 Kể từ năm 1947, đình Vĩnh Bình đã mất đi toàn bộ kiến trúc ban đầu, theo lời kể của các phụ lão địa phương, quá khứ vàng son một thời của đình Vĩnh Bình trên đất Tân An xưa chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người đã từng sinh sống nơi đây và những người am hiểu về đình Vĩnh Bình.

Đình Vĩnh Bình trước khi bị đốt cháy năm 1947 có diện tích khá lớn (82m x 14 m) 1.148m2 gồm võ ca, chánh điện, nhà tiếp khách, …Hiện nay, nền móng bằng bê tông của đình ngày trước vẫn còn. Căn cứ vào nền móng này, chúng ta thấy quy mô của đình Vĩnh Bình trước kia rất đồ sộ.

Nếu như từ năm 1938, đình Vĩnh Bình được xem là một trong những ngôi đình to đẹp nhất của Tân An thì ngày nay đình Vĩnh Bình chỉ là một ngôi đình nhỏ, nằm ở một miền quê với kiến trúc đơn sơ với ban đầu.

Ngôi đình Vĩnh Bình hiện nay được xây dựng mới hoàn toàn vào năm 1972 với kiến trúc dạng tứ trụ, vật liệu xây dựng đơn giản: xây tường, mái ngói, nền lát gạch hoa, các cột vuông bằng bê tông cốt thép. Đình có tổng diện tích 269,8m2 , toàn bộ khuôn viên hiện nay có 5.743m2 . 15 Phía trước nhà tiếp khách (hướng Nam) là 3 miếu thờ: chính giữa thờ Thần Nông, bên trái thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên phải thờ Thần Hổ. Chánh điện với gian trung tâm đặt bàn thờ Thần, phía trên bàn thờ đặt một miếng gỗ lộng kiếng khắc chữ Thần bằng chữ Hán. Phía trên bàn thờ Thần (sát vách tường) là nơi đặt sắc phong của vua Tự Đức cho đình Vĩnh Bình ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (08/01/1852).

Gian bên phải trung tâm bàn thờ Thần đặt bức liễn thờ khắc chữ Hán sơn son thếp vàng.

Căn cứ vào bức liễn, đây là nơi thờ các bậc hương chức của đình qua nhiều thế hệ, họ là những người chăm lo những việc tế lễ của đình và có công duy trì các lễ hội truyền thống từ đời trước qua đời sau.

 Gian bên trái thờ Thần đặt bức liễn thờ khắc chữ Hán sơn son thếp vàng. Đây là nơi thờ các vị thần linh cận vệ Thành Hoàng Bổn Cảnh.

 Từ cửa chánh điện đi vào gian bên phải (sát tường) là nơi đặt bàn thờ Tiền Hiền Hậu Hiền (những bậc tiền bối đứng ra khai hoang lập làng, bỏ công sức, tiền của để xây dựng làng xã, làm cầu, lập chợ hay đình làng trong buổi đầu lập làng).

Từ cửa chính đi vào gian bên trái đặt bàn thờ các anh hùng liệt sĩ có ghi chữ “Tổ quốc ghi công”. Phía trước bàn thờ Thần (gian trung tâm) đặt ghế bàn dài mặt đá mài.

 Nhìn chung, đình Vĩnh Bình có thay đổi rất nhiều so với trước kia, điều đáng tiếc là ngôi đình bề thế, to đẹp trước kia không còn nữa. Từ năm 2012 đến năm 2014, đình Vĩnh Bình được Đảng ủy, chính quyền địa phương tổ chức trùng tu sửa chữa.

 5. Các hiện vật trong di tích

Năm 1947, khi đình Vĩnh Bình bị đốt đi, phần lớn các hiện vật đều bị cháy hoặc bị thất lạc. Hiện nay, tại đình vẫn còn một số hiện vật có giá trị.

1. Ba Sắc thần của vua Tự Đức phong ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (08/01/1852), sắc được viết trên giấy kim tiền màu vàng có hình rồng mây, đóng dấu “sắc mạng chi bảo” của Vua.

2. Hai bức liễn thờ sơn son thếp vàng khắc chữ Hán “LỊCH ĐẠI VIÊN QUAN” và “TẢ BAN LIỆT VỊ”, kích thước 2m x 1m.

 3. Ba bức hoành phi bằng gỗ quý chạm rồng với kỹ thuật chạm cực kỳ tinh xảo.

4. Biển thờ Thần chạm rồng bằng gỗ quý (kích thước 1m x 0.5m) chính giữa khắc chữ THẦN bằng chữ Hán.

          5. Ba chân tủ thờ chạm rồng (kỹ thuật chạm nổi).

6. Hộp đựng sắc thần bằng gỗ mun.

7. Bàn thờ chạm rồng bằng gỗ quý.

 8. Ghế bàn dài chân chạm nổi.

 9. Ghế bàn tròn chân chạm nổi.

Đình Vĩnh Bình là một trong những ngôi đình cổ của Tân An xưa, được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX. Một số hiện vật còn lại đến ngày nay có niên đại cuối thế kỷ XIX là những cổ vật minh chứng sự tồn tại của đình Vĩnh Bình trên đất Vĩnh Công ngày nay. Đình Vĩnh Bình được xem là một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương trong các dịp lễ hội. Sắc phong của vua Tự Đức cho đình là hiện vật có giá trị về niên đại và lịch sử - văn hóa. Việc vua ban sắc thể hiện sự công nhận và quản lý của Nhà nước phong kiến đối với bộ máy tự quản của làng.

Về lịch sử, đình Vĩnh Bình là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở địa phương trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 và chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đình được chọn làm trụ sở của Thanh niên Tiền phong, nơi hội họp, tập hợp lực lượng khởi nghĩa của xã Vĩnh Công năm 1945. Thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đình Vĩnh Bình bị đốt đi để ngăn không cho thực dân Pháp có thể đóng quân khi tái chiếm Nam Bộ.

Với những giá trị trên, Đình Vĩnh Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2271/QĐ-UB, ngày 7/6/2005./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh