Lịch sử
Lời nói đầu:
Vĩnh Công nằm trên trục đường giao thông quan trọng được xây dựng từ rất sớm là Tỉnh lộ 21 (nay tỉnh lộ 827). Đây là trục giao thông chính của huyện Châu Thành. Trong lịch sử, con đường này đã chứng kiến biết bao trận đánh phục kích của quân dân Châu Thành chống giặc ngoại xâm. Ngày nay nó trở thành một tuyến giao thông quan trọng của huyện Châu Thành.
Trong khánh chiến, Vĩnh Công có vị trí rất quan trọng đối với cả ta và địch. Đối với địch nếu để mất Vĩnh Công thì tỉnh lỵ Tân An bị uy hiếp, quận Bình Phước bị chia cắt. Đối với ta, Vĩnh Công trổ thành vành đai diệt Mỹ,đặc biệt là trên mặt trần diệt xe quân sự. Nếu không giữ được địa bàn Vĩnh Công thì đường giao liên giữa huyện Châu Thành với căn cứ của huyện và tỉnh cũng như giữa vùng thượng và vùng hạ của huyện sẽ gặp khó khăn. Do vậy trên mảnh đất này trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ luôn diễn ra cuộc chiến đầy cam go,ác liệt giữa ta và địch.
Vĩnh Công trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần lập nên chiến công oanh liệt ghi vào sử sách trận chiến thắng liên hoàn Vĩnh Công- Hiệp Thạnh- Phú Ngãi Trị (Miếu bà Cố). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Vĩnh Công tiếp tục lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng quê hương đất nước.
Hoà bình lập lại, Vĩnh Công cùng cả nước vượt qua khó khăn gian khổ trong thời kỳ bao cấp để rồi cùng toàn Đảng toàn dân tiến vững chắc trên con đường đổi mới. Những thành tựu về kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng trong 30 năm qua là đáng trân trọng và tự hào, là công sức to lớn của Đảng bộ nhân dân Vĩnh Công trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ghi nhận công lao của nhân dân và Đảng bộ xã Vĩnh Công, ngày 28/5/2010 nhà nướcđã tuyên dương phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã.
Truyền thống vẻ vang đầy hào hùng đó mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Công phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Chương một: Vĩnh Công đất và người
I.Điều kiện tự nhiện, xã hội
Dưới thời chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) khi nhà Nguyễn kéo vào lập đồn binh ở Sài Gòn (tức Sài Gòn – thành phố Hồ CHí Minh ngày nay), năm 1923 huyện Châu Thành ngày nay thuộc phủ Gia Định còn rất hoang vu, Khi Nguyễn Hữu Cảnh lập Gia Định phủ và đưa dân từ các phủ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín) vào Nam khai hoang, người Việt đi khai hoang lập ấp ở đan xen với các tộc người địa phương thuộc ngữ hệ Khơ-me và Mã-lai. Từ năm 1699 trở đi huyện Châu Thành chính thức thuộc Vũng Gù ( thành phố Tân An ngày nay) nằm trong huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.
Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân lập đồn điền ở Vũng Gù vào đào kênh thông từ Vàm Cỏ Tây sang Mỹ Tho (gọi là sông Bảo Định ngày nay). Năm 1802, Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, huyện Châu Thành ngày nay thuộc Vũng Gù, huyện Tân Bình, trấn Phiên An, phủ Bình Thuận; đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), huyện Châu Thành thuộc phủ Tân An, phủ lỵ đóng tại chợ Cai Tài, huyện lỵ Tân Thạnh đóng tại thôn Kỳ Sơn, làng Kỳ Xuyên (nay thuộc xã Bình Quới). Năm 1868, phủ lỵ dời về Vũng Gù ( thành phố Tân An ngày nay) và huyện Châu Thành trở thành huyện Tân Thạnh với 2 tổng: Tổng Thanh Mục Thượng và Tổng Thạnh Hội Hạ.
Theo Nghị định ngày 29/11/1923 (do ông Lacognaco-người Pháp ký) đã thành lập một số làng ở huyện Châu Thành gồm:
+ Làng Hòa Điều, làng Đa Phú (xã Hòa Phú ngày nay).
+ Làng Bình Công Tây, làng Vĩnh Bình (xã Vĩnh Công ngày nay).
+ Làng Bình Hạp, làng Gia Thạnh (xã Hiệp Thạnh ngày nay).
+ Làng Dương Xuân, xóm Gia Hội (thôn Hội Hưng), (xã Dương Xuân Hội ngày nay).
+ Làng Tân Lục, làng An Tập, làng Tân Long (xã An Lục Long ngày nay).
+ Làng Thuận Lễ, làng Chí Mỹ (xã Thuận Mỹ ngày nay).
+ Làng Vĩnh Thới, làng Xuân Đông (xã Thanh Vĩnh Đông ngày nay).
+ Làng Bình Phước, làng Tân Bình, xóm Đồng Hưng (xã Phước Tân Hưng ngày nay).
+ Làng Ngãi Phú, làng Bình Trị (xã Phú Ngãi Trị ngày nay).
+ Làng Kỳ Xuyên, làng Bình Quới (xã Bình Quới ngày nay).
+ Làng Long Trì (xã Long Trì ngày nay).
Đến năm 1946, huyện chính thức có tên gọi là huyện Châu Thành. Đến năm 1956, ngụy quyền Sài Gòn sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn thành tỉnh Long An, sau đó đổi tên huyện Châu Thành thành quận Bình Phước, nhưng thời ấy Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam vẫn giữ nguyên tên gọi huyện Châu Thành, lúc đó huyện có 16 xã gồm: Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ, Thanh Phú Long, An Lục Long, Dương Xuân Hội, Long Trì, Hiệp Thạnh, Vĩnh Công, Hòa Phú, Bình Quới, Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi, Lợi Bình Nhơn, Phước Tân Hưng, Phú Ngãi Trị, Khánh Hậu.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, tỉnh quyết định tách 2 xã Lợi Bình Nhơn và Khánh Hậu về huyện Thủ Thừa.
Để tạo điều kiện quản lý hành chính và quản lý kinh tế được thuận lợi nên đảng và Nhà nước ta quyết định hợp nhất 2 tỉnh Kiến Tường và Long An thành tình Long An.
Đến năm 1977, huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành được hợp nhất thành huyện Tân Châu. Năm 1978 đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ (có vị trí hành chính đóng tại huyện Tân Trụ ngày nay). Vào năm 1982 do mở rộng phát triển đô thị, cụ thể là mở rộng thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An) nên tỉnh quyết định tách 2 xã của huyện Châu Thành về thành phố Tân An là An Vĩnh Ngãi và Bình Tâm. Đến năm 1989 huyện Vàm Cỏ được tách trở lại thành hai huyện: Tân Trụ và Châu Thành.
Do yêu cầu phát triển mở rộng kinh tế và văn hóa của huyện, nhất là việc phát triển đô thị hiện tại và tương lai, vào năm 1992, UBND tỉnh Long An quyết định thành lập thị trấn Tầm Vụ (trước đây thuộc một phần xã Dương Xuân Hội và một phần xã Hiệp Thạnh).
Xã Vĩnh Công là một trong 13 xã, thị trấn của huyện Châu Thành, tỉnh Long An,được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ hai làng Vĩnh Bình và Bình Công Tây (theo Nghị định sáp nhập một số làng ở Nam Bộ do Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 29/11/1923)
Về vị trí địa lý, Vĩnh Công nằm về phía tây thuộc vùng thượng của huyện Châu Thành, cách trung tâm huyện lỵ Châu Thành trên 4 km theo hướng đông nam; phía động giáp xã Hiệp Thạnh, phía tây giáp xã Hoà Phú, phía Bắc giáp xã Bình Quới và Phú Ngãi Trị, phía nam giáp xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
II. Văn hoá và truyền thống yêu nước
Ngay khi Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định năm 1859, Nguyễn Thông làm việc trong Nội Các (Huế) tình nguyện tòng quân, về giúp việc đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp. Cậu ông là dũng tướng Trịnh Quang Nghi cũng có mặt ở đại đồn Chí Hoà dưới quyền chỉ huy của Tán lý quan vụ Nguyễn Duy. Mặt trận Phú Thọ bị vỡ, hai người lui về quê nhà (Phú Ngãi Trị- Châu Thành ngày nay) cùng Phan Văn Đạt chiêu mô nghĩa binh chống Pháp.
Tháng 9/1861 Phát bắt được Phan Văn Đạt rồi dùng móc sắt móc cổ họng ông, treo trên cột tàu đậu ở mé sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây- gần thị xã Tân An). Còn Trịnh Quang Nghi sang Tân Hoà, được Trương Định cử làm tham tán quân vụ và đắc lực giúp Trương Định chống Pháp.
Trương Định đang ở Tân Hoà nghe tin Nguyễn Tri Phương đang đáp đồn Kỳ Hoà chống Pháp nên kéo toàn bộ lực lượng lên hưởng ứng, giữ đồn Thuận Kiều. Đồn Chí Hoà thất thủ, ông lui về lại tân Hoà xây dựng căn cứ chống Pháp. Trương Đinh được nhiều sĩ phu, dũng tướng đến giúp việc. Hàng ngàn nông dân Tân Hoà, Tân Thạnh (Châu Thành) theo về hợp sức rất đông, quân số lên đến hơn 12.000 ngườo, làm cho quân Pháp khiến sợ.
Ba tháng sau gương hy sinh anh dũng của cử nhân Phan Văn Đạt, Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh úp đốt cháy chiến thuyền Esperance (Hy Vọng) của Pháp ở Vàm Nhật Tảo trên sông Vàm Cỏ Đông. Tháng sau, ông đánh tiếp vào hai pháo hạm trên sông Vám Cỏ Đông. Và trận thứ ba, mấy ngày sau nữa cũng nhằm vào tàu chiến Pháp trên sông Tra (thuộc Châu Thành ngày nay).
Đó là những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho truyền thống quật cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Kỳ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tân Thạnh- phủ Tân An còn có các cuộc nổi dậy khác và trong những cuộc nổi dậy này luôn có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của những người con xã Vĩnh Công. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh của nhân dân Vĩnh Công diễn ra còn manh mún, không có sự thống nhất trong hành động chiến đấu nên cuối cùng đều bị thực dân Pháp đàn áp.
III. PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở VĨNH CÔNG 1930- 1945
Tháng 2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ Đảng Cộng sản-đội quân tiên phong của giai cấp công nhân-đảm nhận sứ mệnh lịch sử vạch định đường lối và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tại quận Châu Thành (Tân An) năm 1931 đã có một chi bộ đảng gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hoằng, Nguyễn Văn Dọp, Hai Thành, Bảy Huề do đồng chí Nguyễn Văn Hằng làm bí thư. Hoạt động của chi bộ có ảnh hưởng mạnh đến các làng Bình Quới, Hiệp Thạnh, An Vĩnh Ngãi, Hoà Phú, Vĩnh Công, Dương Xuân Hội....
Trong cao trào vận động dân sinh- dân chủ 1936-1939, Đảng Công sản Đông Dương chủ trương vận động nhân dân đòi dân sinh, dân chủ, cơm áo, hoà bình. Các uỷ ban hành động được nhanh chóng thành lập trong cả nước.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh công đã đứng lên cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám (1945), nhân dân Vĩnh Công cùng với nhân dân cả nước đã viết lên trang sử chói lọi của dân tộc;đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự do.
CHƯƠNG II. VĨNH CÔNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ (1945-1975)
I. Từng bướcđược củng cố và phát triển cơ sở Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954)
1. Củng cố cơ sở Đảng và bảo vệ chính quyền cách mạng (1945-1947)
Đêm 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh đánh chiếm các cơ quan của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, thực hiện quyết tâm xâm lược nước ta lần thứ 2. Đầu tháng 10, Pháp tấn công Tỉnh lỵ Tân An và khu vực xuang quanh. Cuối tháng 10/1945, Pháp đã chiếm Châu Thành và thiết lập đồn bót ở Vĩnh Công cũng như xây dựng đội ngũ tay sai đều khắp trên địa bàn Châu Thành./.